Mathilde Bonaparte

Mathilde Bonaparte
Hoàng nữ Pháp
Chân dung của Édouard Dubufe, 1861
Thông tin chung
Sinh(1820-05-27)27 tháng 5 năm 1820
Trieste, Đế quốc Áo
Mất2 tháng 1 năm 1904(1904-01-02) (83 tuổi)
Paris, Pháp
Phối ngẫuAnatoly Nikolaievich Demidov, Thân vương thứ nhất xứ San Donato
Tên đầy đủ
Mathilde Laetitia Wilhelmine Bonaparte
Hoàng tộcBonaparte
Thân phụJérôme Bonaparte
Thân mẫuKatharina của Württemberg

Mathilde Laetitia Wilhelmine Bonaparte, Hoàng nữ Pháp, Thân vương phi xứ San Donato (27 tháng 5 năm 1820 – 2 tháng 1 năm 1904), là một Hoàng nữ và salonnière người Pháp. Bà là con gái của Jérôme Bonaparte, em trai của Hoàng đế Napoleon I và người vợ thứ hai của ông, Katharina của Württemberg, con gái của Vua Friedrich I của Württemberg.

Bà từng đính hôn với người anh họ đời đầu của mình là Louis-Napoléon Bonaparte (tương lai sẽ là hoàng đế Napoleon III). Nhưng sau sự kiện ông vượt Eo biển Manche trở về Pháp để làm cách mạng, ông đã bị chính quyền Đệ Nhị Cộng hòa Pháp tuyên án tử hình và bắt giam tại Ham thì cuộc hôn nhân này đã bị huỷ bỏ. Dưới triều đại của Napoleon III, Mathilde trở thành một bà chủ và nữ quý tộc rất nổi tiếng ở Paris. Bá là người rất ngưỡng mộ và biết ơn bác của mình là Hoàng đế Napoleon I, bà từng nói với bạn của mình rằng: "Nếu không có bác ấy, tôi đã phải đi bán cam trên phố Ajaccio".

Tiểu sử

Cuộc sống đầu đời và hôn nhân

Hoàng nữ Mathilde Bonaparte năm 1860, chụp bởi André-Adolphe-Eugène Disdéri

Mathilde sinh ra ở Trieste thuộc Đế quốc Áo (ngày nay thuộc Ý), nhưng lớn lên tại Florence và Rome. Ban đầu, bà đính hôn với người anh họ đời đầu của mình là Louis-Napoléon Bonaparte, người tương lai sẽ là Hoàng đế Napoleon III của Đệ Nhị Đế chế Pháp, nhưng hôn ước đã bị hủy bỏ sau khi ông bị bắt giam tại Ham. Ngoài ra việc huỷ hôn cũng đến từ cậu của Mathilde là Wilhelm I của Württemberg, ông không thích quá khứ của Louis, cũng như vì sự eo hẹp tài chính của cha Louis là cựu vương Louis Napoléon Bonaparte.[1].

Bà kết hôn với một quý tộc Toscana gốc Nga giàu có là Anatoly Nikolaievich Demidov, vào ngày 1 tháng 11 năm 1840 tại Rome. Anatole được Đại công tước Leopold II xứ Toscana phong làm Thân vương ngay trước lễ cưới để thực hiện mong muốn của cha Mathilde và để giữ nguyên vị trí Vương nữ của Mathilde vì cuộc hôn nhân không bị xem là quý tiện kết hôn. Tước hiệu Thân vương của Anatole chưa bao giờ được công nhận ở Đế quốc Nga. Họ không có con.

Cuộc hôn nhân giữa hai nhân vật này rất nhiều sóng gió. Thân vương Demidov nhất quyết giữ lại người tình của mình là Valentine, Nữ công tước xứ Dino, và tất nhiên Mathilde đã phản đối quyết liệt. Năm 1846, Mathilde bỏ trốn khỏi nhà đến Paris cùng người tình mới Émilien de Nieuwerkerke và mang theo đồ trang sức của Anatole.

Mẹ của Mathilde là em họ đời đầu của Hoàng đế Nikolai I của Nga, và hoàng đế đã ủng hộ Mathilde trong các cuộc xung đột của bà với chồng bà (vốn là một thần dân Nga). Do đó, Anatole đã chọn sống phần lớn cuộc đời còn lại của mình bên ngoài nước Nga.

Bên trong dinh thự của Hoàng nữ Mathilde, rue de Courcelles (cho đến năm 1857)

Các điều khoản ly thân do Tòa án tại Saint Petersburg thuộc Đế chế Nga công bố đã buộc Thân vương Anatole phải trả tiền cấp dưỡng hàng năm là 200.000 franc Pháp. Anatole đã kiên quyết theo đuổi việc đòi lại tài sản của mình, điều này khiến Mathilde và nhóm bạn văn chương hùng hậu của bà phải phản công dữ dội bằng cách sử dụng phương tiện truyền thông công cộng. Cuối cùng, những người thừa kế của Anatole không bao giờ lấy lại được tài sản của ông vì di chúc cuối cùng của Mathilde đã bị thay đổi vào cuối đời bà.

Cuộc sống trong Đệ Nhị Đế chế

Mathilde sống trong một dinh thự ở Paris, nơi bà, với tư cách là một thành viên nổi bật của tầng lớp quý tộc mới trong và sau Đệ Nhị Đế chế Pháp, đã tiếp đón những người đàn ông nổi tiếng trong giới nghệ thuật và văn chương tại tiệm của mình (Paul Bourget, Anh em nhà Goncourt, Gustave Flaubert, Turgenev, cùng những người khác).[2]

Bà không thích các nghi thức xã giao, "theo Abel Hermant, cô ấy chào đón tất cả những vị khách của mình với một thái độ thân mật...". Théophile Gautier được thuê làm thủ thư của bà vào năm 1868. Nhắc đến bác của mình, Hoàng đế Napoleon I, bà đã từng nói với Marcel Proust: "Nếu không có bác ấy, tôi đã phải đi bán cam trên phố Ajaccio".

Hậu Đệ Nhị Đế chế

Khi Đệ Nhị Đế chế Pháp của anh họ Napoleon III sụp đổ vào năm 1870, Mathilde sống ở Bỉ một thời gian, nhưng sớm trở về Paris. Trong suốt thời gian ở Pháp, bà vẫn duy trì mối quan hệ với triều đình Hoàng gia ở Saint Petersburg, những người anh em họ bên ngoại của bà. Năm 1879, sau cái chết của Thân vương Demidov vào năm 1870, có nguồn tin cho rằng bà kết hôn với nghệ sĩ và nhà thơ Claudius Marcel Popelin (1825–1892), nhưng sau đó bà nhanh chống phủ nhận.[3]

Bà là thành viên duy nhất của Vương tộc Bonaparte ở lại Pháp sau tháng 5 năm 1886, khi Cộng hòa Pháp trục xuất các Hoàng thân của các triều đại cai trị trước đây. Năm 1896, bà được Tổng thống Félix Faure mời đến dự một buổi lễ tại Điện Invalides trong chuyến thăm của Hoàng đế Nicholas II của Nga và vợ ông là Hoàng hậu Alexandra.

Marcel Proust thời trẻ thường lui tới dinh thự riêng của Mathilde ở số 20, rue de Berri. Vào thời điểm đó, chúng tôi vẫn gặp một số cựu thành viên theo chủ nghĩa Bonaparte ở đó, ngoài ra còn có Charles Haas, Paul Bourget, Georges de Porto-Riche, Bác sĩ Samuel Pozzi, Bá tước Primoli, Bá tước Benedetti, Louis Ganderax, hay Geneviève Halévy.[4]

Nghệ sĩ và bảo trợ

Mathilde Bonaparte vẽ Salammbô bằng màu nước.

Mathilde Bonaparte được học với Michel Ghislain Stapleaux và Ida Botti Scifoni về nghệ thuật và đặc biệt là hội họa khi bà còn ở Ý.

Đến Paris, bà tiếp tục trao dồi với Eugène Giraud, một trong những người bạn thân của bà. Bà vẽ bằng màu nước và triển lãm nhiều lần tại tư dinh của mình từ năm 1859 đến năm 1867.[5] Mathilde đã nhận được danh hiệu cao quý vào năm 1861 và huân chương vào năm 1865. Song song đó, bà đã giúp đỡ nhiều nghệ sĩ bằng cách mua tác phẩm từ họ và xây dựng một bộ sưu tập. Sainte-Beuve thậm chí còn đặt cho nó cái tên là Notre-Dame des Arts.[6]

Qua đời

Mathilde Bonaparte qua đời tại nhà riêng ở số 20, rue de Berri vào ngày 2 tháng 1 năm 1904, bà được chôn cất tại Nhà thờ Saint-Gratien ở Saint-Gratien (Val-d'Oise), nơi bà đã xây dựng.[7]

Trong văn học

Hoàng nữ Mathilde lớn tuổi xuất hiện thoáng qua trong À l'ombre des jeunes filles en fleurs (Dưới bóng những cô gái trẻ đang nở hoa) của Proust, tập thứ hai của Đi tìm thời gian đã mất. Mathilde nói rằng nếu muốn đến thăm les Invalides, bà không cần lời mời: bà có bộ chìa khóa riêng.

Mathilde được nhắc đến nhiều lần trong tiểu thuyết 1876 của Gore Vidal, với quai trò là bạn của người kể chuyện hư cấu, Charles Schermerhorn Schuyler. Bà cũng được nhà văn hiện thực lãng mạn người Bồ Đào Nha Eça de Queiroz nhắc đến trong một trong những tiểu thuyết sau khi mất có liên quan nhất của ông là Đến thủ đô.

Tổ tiên

Tổ tiên của Mathilde Bonaparte
8. Nobile Giuseppe Maria Buonaparte
4. Nobile Carlo Maria Buonaparte
9. Maria Saveria Paravicini
2. Jérôme Bonaparte, Vua của Westphalia và Thân vương xứ Montfort
10. Giovanni Geronimo Ramolino
5. Maria Letizia Ramolino
11. Angela Maria Pietrasanta
1. Mathilde Bonaparte, Hoàng nữ Pháp
12. Friedrich Eugen xứ Württemberg
6. Friedrich I của Württemberg
13. Friederike xứ Brandenburg-Schwedt
3. Vương nữ Katharina của Württemberg
14. Karl Wilhelm Ferdinand xứ Brunswick-Wolfenbüttel
7. Augusta xứ Brunswick-Wolfenbüttel
15. Augusta của Đại Anh

Tham khảo

  1. ^ Louis Girard, Napoléon III, Hachette, 1986, tr. Thiếu tham số! (Bản mẫu:P.)31
  2. ^ https://www.napoleon.org/histoire-des-2-empires/tableaux/la-salle-a-manger-de-s-a-i-la-princesse-mathilde/. Đã bỏ qua tham số không rõ |titre= (gợi ý |title=) (trợ giúp); Đã bỏ qua tham số không rõ |site= (trợ giúp); |title= trống hay bị thiếu (trợ giúp)
  3. ^ George D. Painter, Marcel Proust, Paris, Mercure de France, 1966, p. 142
  4. ^ George D. Painter, Marcel Proust, Paris, Mercure de France, 1966, p. 141, tome I
  5. ^ La princesse Mathilde : 1820-1904 có sẵn tại Gallica
  6. ^ “Mathilde, une princesse pour les arts”. Le Journal Des Arts. Truy cập 19 tháng 8 năm 2024.
  7. ^ Présentation de l'église Saint-Gratien
  • Richardson, Joanna (1969). Princess Mathilde. Weidenfeld & Nicholson. ISBN 978-0297763369.

Liên kết ngoài

  • Các tác phẩm của hoặc nói về Mathilde Bonaparte tại Internet Archive